Elevator Industry
Thang máy – Nghề nguy hiểm!
09/04/2025
Đó là điều mà tôi đã hình dung rõ hơn sau khi đọc tin trên báo về vụ tai nạn khiến hai kỹ thuật viên thang máy tử vong trong quá trình làm việc.
Ngôi nhà tôi đang sống có sử dụng một chiếc thang máy liên doanh. Mặc dù không hiểu nhiều về lĩnh vực này nhưng tôi biết rằng máy móc nào cũng phải kiểm định, bảo trì đều đặn thì mới ổn. Vì thế, cứ theo định kỳ sẽ có một đội thợ hai người đến xử lý công việc theo hợp đồng đã ký.

Sau khi họ báo công việc hoàn thành là tôi ký vào biên bản xác nhận và thanh toán. Tuyệt nhiên, tôi không thể biết công việc của họ đã diễn ra như thế nào trong một không gian chật chội, tối tăm như thế.
Giờ đây, tôi hiểu rằng tử thần luôn rình rập ngay trên đầu họ nếu chỉ một chút bất cẩn.
Trở lại với vụ rơi thang máy ở Kim Mã. Tôi tình cờ biết được 2 nạn nhân còn rất trẻ, là người của một công ty thang máy có trụ sở ở Thạch Bàn, Long Biên. Công ty Safety của họ đã ký hợp đồng cải tạo nâng tầng cho thang máy và sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Safety nhưng lại không an toàn!
Ảnh hiện trường vụ tai nạn từ phóng viên Tạp chí Thang máy
Một người bạn tôi là kiểm định viên sau khi xem những hình ảnh tại hiện trường đã có những nhận định sơ bộ. Nhận định này cũng nhận được rất nhiều sự đồng tình trên một diễn đàn có hơn 1,4 triệu thành viên.
Có thể thấy rằng đây là một vụ tai nạn trong quá trình thay thế cáp tải của thang máy chứ không phải vấn đề về mặt trượt cáp rồi rơi cabin như báo chí đã đưa. Nguyên nhân gây ra tai nạn do người thực hiện thi công thay thế không am hiểu về an toàn, công ty thực hiện thay thế thiết bị không có người giám sát, lên phương án thi công đảm bảo an toàn.
Nhìn hình ảnh có thể thấy đây là loại thang máy có phòng máy, sử dụng động cơ có hộp số đời cũ. Việc thi công thay thế về mặt nguyên tắc là rất đơn giản, tuy nhiên người thực hiện đã làm sai bản chất của công tác đảm bảo an toàn khi tháo hoàn toàn cáp tải, cáp phanh khẩn cấp của cabin, sử dụng cáp tải buộc neo vào 2 bên ray chính của cabin rồi treo palang xích lên đó. Điều này dẫn đến vấn đề tụt phần treo và không có sự bảo vệ của phanh cabin nên cabin đâm thẳng xuống đáy hố gây ra tai nạn thảm khốc.
Những vụ việc bị tai nạn dẫn đến tử vong khi lắp đặt thang máy khá nhiều trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân. Nhưng những nguyên nhân chính thường do kỹ thuật viên không có chuyên môn tốt, không được huấn luyện bài bản nên không biết cách để đảm bảo an toàn tại hiện trường. Hoặc cũng có thể họ đã phớt lờ những quy định an toàn gây nên những cái chết thương tâm.
Mới sáng nay, một kỹ thuật viên có thâm niên 10 năm trong nghề thang máy đã đăng dòng tâm sự sau ám ảnh cái chết của các đồng nghiệp: Quyết định bỏ nghề, đi về với vợ!
Góc độ nào đó, tôi hoàn toàn hiểu cảm giác này bởi những vất vả, cực nhọc, thậm chí là sự “bạc bẽo” của nghề làm thợ thang máy. Nhưng nói một cách công bằng, nghề nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Tôi biết một người từng đột tử khi chỉ làm công việc ngồi bàn giấy 8 tiếng mỗi ngày, nhàn hơn công việc thợ thang máy rất nhiều.
Điều quan trọng là ý thức tuân thủ an toàn lao động thế nào mà thôi. Những con số biết nói của Cục An toàn lao động cho biết: nguyên nhân chủ yếu của tai nạn lao động là do sự quản lý thiếu chặt chẽ của người sử dụng lao động (chiếm 42,1%), bao gồm cả việc không tuân thủ đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng bảo hộ lao động hợp quy chuẩn. Nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lao động cũng chiếm một tỉ lệ tương đối cao (17,3%).
Tâm lý người Việt chúng ta vẫn có gì đó hay “đại khái”, “qua loa”, thiếu tính khoa học trong tổ chức thực hiện công việc. Chúng tôi hay nói đùa “người Việt chúng ta có tiêu chuẩn làm việc A/C – tức là áng chừng”. Điều đó là vô cùng nguy hại.
Còn ở góc độ khách hàng, tôi tự hỏi rằng phải chăng trong suốt thời gian qua tôi đã quá chủ quan, thờ ơ với các kỹ thuật viên dịch vụ bảo trì thang máy cho gia đình mình. Nếu họ không có đủ kinh nghiệm, hoặc một bất cẩn dẫn đến tai nạn ngay trong ngôi nhà của mình thì chúng tôi sẽ tiếp tục với nỗi ám ảnh như thế nào?
Lời tòa soạn: Mất an toàn lao động trong ngành thang máy là vấn đề hết sức nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua. Trong đó, nổi cộm là việc đào tạo kỹ năng trong lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy chưa được quan tâm, chưa có chuẩn hóa về chất lượng tay nghề của lao động đã dẫn tới những sự việc thương tâm và nhiều hệ lụy. Trước thực tế đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục các nghề cần phải xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia năm 2022. Đồng thời Hiệp hội sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của ngành nghề thang máy. Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” vào giữa tháng 7/2022 để tìm giải pháp và tham mưu xây dựng chính sách có ý nghĩa cho sự phát triển ngành. Độc giả có thể đọc thêm các bài viết:
Thang máy rẻ nhưng mang người không thể rẻ
Tiêu chuẩn hóa ngành thang máy, ai được lợi?
5 điều quan trọng khi thuê dịch vụ bảo trì thang máy
Để không còn những nỗi đau
Cần giám sát chặt chẽ công tác bảo trì
Hiệp hội Thang máy Việt Nam xây dựng chuẩn hóa chương trình đào tạo